Lý giải nguyên nhân các chuỗi đồ uống nổi tiếng Phúc Long, Highlands, The Coffee House đồng loạt mở mô hình kiosk

27/05/2024
32 lượt xem

Rất nhiều thương hiệu F&B lớn đang thử nghiệm và nhân rộng mô hình kiosk, từ những chuỗi hệ thống lớn như Highland Coffee, Phúc Long, cho tới các thương hiệu nhượng quyền như Ông Bầu, Milano Coffee, Passio,… và mới đây nhất là The Coffee House. 

Đâu là lý do cho hướng đi mới này, hãy cùng HorecaVN tìm hiểu trong bài viết này nhé!

 

1. Mô hình kiosk – Xu hướng tất yếu của ngành F&B hậu Covid

Sau nhiều tháng giãn cách xã hội do làn sóng Covid-19 thứ 4, thị trường F&B tại Việt Nam đang dần hoạt động sôi động trở lại. Các chuỗi đồ uống lớn đều có những bước phát triển, chuyển mình mạnh mẽ nhằm thích nghi với thời cuộc. “Cú hích” lớn nhất của các ông lớn vào thị trường là việc chạy đua nhân rộng mô hình kiosk.

Vừa qua, The Coffee House đã khai trương ồ ạt nhiều kiosk trong một tuần lễ và đều là cửa hàng mini chỉ rộng vài mét vuông do thương hiệu này tự mở. Hệ thống kiosk này chỉ phục vụ khách hàng mua mang đi và giao hàng online. Menu cực kỳ đơn giản gói gọn trong khoảng 10 món đồ uống: 3 món cà phê truyền thống, 3 món đá xay và một vài món nổi tiếng khác như trà đào cam sả,… Những cửa hàng mini này chỉ nhận thanh toán tiền mặt do phải tối ưu để phù hợp với mô hình kiosk.

Việc The Coffee House chính thức tham gia “đường đua” phát triển mô hình kiosk không gây quá nhiều sự ngạc nhiên cho giới F&B. Đó là minh chứng cho thấy mô hình kiosk hay kinh doanh xe đẩy không phải là trào lưu nhất thời mà đã trở thành xu hướng tất yếu được ưu tiên phát triển để dễ thích ứng hơn trong giai đoạn hậu Covid. Trước The Coffee House, rất nhiều thương hiệu đồ uống lớn đã thử nghiệm và mở rộng mô hình này khá thành công như Highlands Coffee, Phúc Long, cho tới Ông Bầu, Milano Coffee, Passio…

2. Vì sao các chuỗi đồ uống đình đám đều ồ ạt nhân rộng mô hình kiosk?

Kiosk vốn không phải là mô hình kinh doanh mới, nhưng nhờ Covid, mô hình này nhanh chóng bộc lộ nhiều ưu điểm hấp dẫn đối  với các ông lớn ngành F&B.

Ưu điểm dễ nhận thấy đầu tiên ở mô hình kiosk là giúp đa dạng hóa nguồn thu. Mô hình kiosk phục vụ bán mang đi và giao hàng online có thể “duy trì bình oxy” cho các chuỗi lớn, trong bối cảnh dịch Covid diễn biến phức tạp và lâu dài, hàng quán chưa được mở tại chỗ hoặc cho mở lại nhưng không được phục vụ tối đa công suất. Lúc này, nguồn doanh thu dù ít dù nhiều nhưng duy trì đều đặn từ các cửa hàng nhỏ bán mang đi như kiosk sẽ là cứu cánh cho các chuỗi F&B.

Ngay cả trong khoảng thời gian dịch tạm lắng, mô hình kiosk cũng giúp các chuỗi đa dạng hóa doanh thu. Nhóm khách hàng mua mang đi hoặc mua online luôn chiếm tỷ lệ nhất định, việc các kiosk nhỏ len lỏi các con phố có thể đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng này nhanh chóng và thuận tiện nhất.

Điểm cộng thứ hai từ mô hình kiosk là đáp ứng 2 nhu cầu của nhiều doanh chủ sau Covid-19: tiết kiệm và tối ưu hóa. Với đặc tính nhỏ gọn, kiosk là mô hình tuyệt vời giúp các chủ thương hiệu lớn tiết kiệm chi phí mặt bằng, tinh gọn đội ngũ vận hành và có tiềm năng phủ sóng đến từng ngõ ngách dân cư. Kiosk “dễ mở – dễ đóng – dễ nhân rộng”, hoàn toàn phù hợp với sự linh hoạt trong bối cảnh kinh doanh nhiều biến động do Covid.

3. Tích hợp “all in 1” – Sự kết hợp đột phá của những “ông lớn” ngành F&b

Để tối ưu hóa mặt bằng và lưu lượng khách hàng, ngoài mở thêm kênh bán kiosk, một mô hình mà các ông lớn ngành F&B không thể bỏ qua là tích hợp nhiều điểm bán lẻ vào chung một địa điểm. Đây chính là việc mà The Coffee House đã làm khi ra mắt hệ thống cửa hàng cà phê mini The Coffee House Now tích hợp với chuỗi siêu thị KingfoodMart.

Tuy nhiên, The Coffee House không phải là người tiên phong trên thị trường. Dẫn đầu xu hướng này cần phải nhắc đến trùm bán lẻ – tiêu dùng Masan. Tập đoàn Masan đã tiến hành thử nghiệm mô hình bán lẻ tích hợp đa dịch vụ đối với hệ thống WinCommerce suốt cả năm 2021, trước tiên với việc kết hợp kiosk Phúc Long với siêu thị mini WinMart (trước đây là VinMart). 

Masan gọi sự kết hợp giữa kiosk cà phê Phúc Long và siêu thị mini WinMart là mô hình “trung tâm thương mại mini”. Tính đến ngày 30/9/2021, hệ thống WinCommerce đã có 63 kiosk Phúc Long tại WinMart đi vào hoạt động, góp phần thu hút khách đến cửa hàng và cải thiện lợi nhuận. Masan cũng đang tập trung phát triển hệ sinh thái Point of Life, không chỉ có kiosk Phúc Long tích hợp cùng siêu thị WinMart, mà còn là sự có mặt của ngân hàng Techcombank, nhà thuốc Phano Pharmacy và dịch vụ viễn thông ảo Reddi.

Tại các cửa hàng bán lẻ theo mô hình tích hợp đa dịch vụ của Masan, khách hàng được phục vụ nhiều sản phẩm và dịch vụ tại duy nhất một điểm đến, qua đó góp phần tăng doanh thu bằng cách cross-sell (bán chéo), upsell (bán thêm sản phẩm) thông qua các giải pháp tiện lợi và tích hợp nền tảng chăm sóc khách hàng thân thiết.

Tháng 9/2021, tại các cửa hàng WinMart có kiosk Phúc Long đang hoạt động có số lượng hóa đơn trung bình/ngày tăng trưởng 16%, giá trị hóa đơn tăng 68% và lợi nhuận doanh nghiệp tăng lên 4,9%, so với tháng trước khi khai trương các kiosk này.

Với kết quả này, Masan đang đặt mục tiêu mở mới gần 1.000 kiosk Phúc Long trong vòng 12 tháng tới, ước tính đóng góp thêm 5 triệu đồng vào doanh thu/cửa hàng/ngày, cải thiện lợi nhuận tại điểm bán của WinMart. 

Xu hướng nhân rộng mô hình kiosk và tích hợp đa dịch vụ tại 1 địa điểm bán hàng của các ông lớn ngành F&B chắc chắn sẽ là trở ngại to lớn đối với những hàng quán quy mô vừa và nhỏ. Các chủ kinh doanh cần có cho mình những hướng đi mới để sớm thích ứng và phát triển trong giai đoạn hậu covid đầy khó khăn này. 

Theo: Cafef.vn

0
    0
    Giỏ hàng
    Giỏ hàng trốngTrở lại cửa hàng